Sáng chế - Giải pháp hữu ích
1. Khái niệm
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
2. Điều kiện bảo hộ
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau:
– Có tính mới;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
3. Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
– Cách thức thể hiện thông tin;
– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
– Giống thực vật, giống động vật;
– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
1. Tài liệu cần có trong một bộ hồ sơ đơn
1.1. Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01 Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
1.2. Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích
– Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải đáp ứng quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).
– Phần mô tả phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của sáng chế theo các nội dung sau:
+ Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Mục đích của sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
+ Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;
+ Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.
– Yêu cầu bảo hộ được tách thành riêng sau phần mô tả, yêu cầu bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ.
– Hình vẽ, sơ đồ (nếu có): được tách thành trang riêng.
1.3. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích
– Tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt có thể có hình vẽ, công thức đặc trưng. Tất cả các hình vẽ, công thức đặc trưng (nếu có) chỉ được trình bày trong một nửa trang A4 và phải rõ ràng. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau.
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
* Đối với đơn đăng ký sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học/dược phẩm, ngoài yêu cầu chung đối với phần mô tả sáng chế quy định tại khoản 1 nêu trên đơn phải phù hợp với các yêu cầu tại Phần IV Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
2. Các tài liệu khác (nếu có)
– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác). Ví dụ: Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn… (nếu có);
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
– Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được xem xét theo trình tự sau:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng
– Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:
(i) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
(ii) Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
(iii) Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
– Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
Phí, lệ phí đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích
– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
– Phí thẩm định hình thức: 180.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
– Phí thẩm định hình thức từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 8.000VNĐ/01 trang;
– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/hình;
– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;
– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 600.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
– Phí thẩm định nội dung: 720.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;
– Phí thẩm định nội dung từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 32.000VNĐ/01 trang
Lưu ý: Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC), trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế).
Một số trang web tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp hữu ích
http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/patents?1&query=*:*
Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế thuộc thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam; tại trang web này người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích đã công bố/được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.
https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf
Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do WIPO cung cấp; tính đến 31/12/2017, người dùng tin có thể tra cứu khoảng trên 60 triệu tư liệu thông tin sáng chế của nhiều quốc gia/tổ chức tại website này, trong đó bao gồm thông tin dữ liệu thư mục sáng chế/GPHI của Việt Nam.
https://worldwide.espacenet.com/?locale=en_EP
Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do EPO cung cấp, tại công cụ tra cứu này, người dùng tin có thể tra cứu gần 100 triệu tư liệu sáng chế, được EPO thu thập từ hơn 90 quốc gia/tổ chức trên thế giới.
http://patft.uspto.gov/netahtml/PTO/index.html
Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của USPTO, tại đây, người dùng tin có thể lựa chọn tra cứu thông tin về các bằng sáng chế đã được cấp dạng toàn văn của Mỹ từ năm 1976 đến nay, hoặc lựa chọn tra cứu thông tin về các đơn sáng chế của Mỹ từ năm 2001 đến nay.
https://www.j-platpat.inpit.go.jp/
Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của JPO, tại đây, người dùng tin có thể tra cứu thông tin về các đơn/bằng sáng chế dạng toàn văn của Nhật Bản.
PHẦN A: CÁC NHU CẦU CỦA ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
PHẦN B: CÁC QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ; GIAO THÔNG VẬN TẢI (B01-B43)
PHẦN B: CÁC QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ; GIAO THÔNG VẬN TẢI (B44-B99)
PHẦN C: HOÁ HỌC; LUYỆN KIM (C01-C07)
PHẦN C: HOÁ HỌC; LUYỆN KIM (C08-C99)
PHẦN D: DỆT; GIẤY
PHẦN E: XÂY DỰNG; MỎ
PHẦN F: CƠ KHÍ; CHIẾU SÁNG; CẤP NHIỆT; VŨ KHÍ; KỸ THUẬT NỔ
PHẦN G: VẬT LÝ
PHẦN H: ĐIỆN